Mua hàng quan trọng nhất vẫn là giá cả. Với Apple, mọi chuyện phức tạp hơn một chút...
Thành công không sáng tạo
2019 là năm đáng buồn hiếm thấy cho các iFan thực thụ. Thay vì giữ chu kỳ 2 năm ("thường" và S) như trước đây, Apple đã không vén màn thiết kế mới mẻ nào mà chỉ làm mới XR/XS/XS Max lên thành iPhone 11/11Pro/11 Pro Max với một thay đổi duy nhất trên mặt lưng.
Ấy thế mà thế hệ iPhone đang mang đến những tín hiệu vô cùng đáng mừng. Doanh số bán tốt đến nỗi Apple đang thiếu hàng để bán. Dựa vào doanh số ban đầu, "ông đồng" Ming Chi-kuo thậm chí còn nâng dự đoán doanh số của iPhone trong quý này lên tới 5 triệu đơn vị.
Giá cả vẫn là yếu tố tiên quyết đến thành công.
Không khó để nhận ra nhân vật chính đã giúp doanh số iPhone tiếp tục thành công: iPhone 11 bản "không Pro". Theo trang bán lẻ JD.com (Trung Quốc), iPhone 11 có lượng đặt trước tăng gần 5 lần so với năm ngoái. Cũng giống như Kuo, các nhà phân tích thị trường khác cũng cho thấy doanh số iPhone 11 đang tăng mạnh so với cùng kỳ 2018.
Đâu là lý do để iPhone 11 thành công? Rõ ràng là so với bộ đôi 11 Pro, chiếc iPhone 11 "thường" kém cỏi hơn hẳn khi chỉ có 2 camera, 4GB RAM và màn hình LCD. Nhưng iPhone 11 có giá khởi điểm chỉ 700 USD, và có vẻ là với nhiều người, một trải nghiệm "tai thỏ" cùng con chip mạnh nhất hành tinh là vừa đủ để hy sinh những tính năng cao cấp chỉ có trên các model nghìn đô.
Nối tiếp lịch sử
Thoạt nhìn, iPhone 11 là bản kế thừa trực tiếp của iPhone XR. Cũng với mức giá "mềm" hơn hẳn bộ đôi XS, năm ngoái XR đã liên tục đứng đầu bảng xếp hạng các mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới. Lý do cho XR bán chạy cũng giống như iPhone 11 hiện tại: thiếu tính năng, nhưng mức giá vừa đủ đón đầu người dùng đang nâng cấp từ điện thoại tầm trung.
iPhone XR và 11 thuộc về khung giá vốn đã quá quen với fan Táo...
Điều ít người nhận ra là khung giá của iPhone XR và iPhone 11 đã luôn là chìa khóa thành công của Apple. Bắt đầu từ khi tiến ra thị trường quốc tế với mô hình kinh doanh không-qua-nhà-mạng, iPhone đã luôn gắn với một khung giá duy nhất: 650 – 750 USD. Từ năm này sang năm khác, iPhone "thường" vén màn ở mốc 650 USD, iPhone Plus lên kệ ở mức 750 USD.
Doanh số và/hoặc doanh thu của iPhone tăng đều qua từng năm bằng cách gắn bó với khung giá này. 650 – 750 USD là khoảng giá vừa đủ cao nhưng lại… không quá cao. iPhone bán ra nằm trong tầm với của người tiêu dùng nhưng vẫn mang trải nghiệm riêng và đặc biệt là giá trị thương hiệu vượt mặt hẳn thế giới Android nói chung.
3 năm một thiết kế
Doanh số iPhone XR và iPhone 11 cho thấy khung giá 650 – 750 USD sẽ luôn luôn mang lại thành công cho Apple, bất chấp có sáng tạo hay không. Vậy thì, Tim Cook đâu cần phải giữ chu kỳ thiết kế 2 năm như trước nữa?
Chu kỳ mới: năm đầu tiên thu lợi nhuận "khủng"...
Vị CEO "Cáo già" của Apple bèn thay đổi. Một mặt, chu kỳ làm mới thiết kế được nâng 3 năm. Mặt khác, Cook tạo ra dòng sản phẩm nghìn đô, đem tập trung vào đó tất cả những đột phá đáng mong chờ. Trong 2 năm tiếp theo, các mẫu smartphone ra đời sẽ chọn sản phẩm nghìn đô kia làm khuôn mẫu.
Ngay lần đầu áp dụng, chiến lược này đã giúp Apple trở thành gã khổng lồ đầu tiên đạp đổ cột mốc nghìn tỷ. Chu kỳ nâng cấp được kéo dài lên mức 3 năm không chỉ giúp Apple tiết kiệm chi phí R&D mà còn tạo ra một chu kỳ kinh doanh cực kỳ khôn ngoan: trong năm đầu tiên, Apple hưởng doanh số và lợi nhuận "khủng" khi smartphone nghìn đô gây sốt. Sang đến năm thứ 2 và thứ 3, khi sức hút nghìn đô bắt đầu suy giảm, iPhone "hạng hai" (XR và 11) sẽ vươn lên trở thành vũ khí chủ đạo. Không cần có những tính năng mới nhất hay thú vị nhất, iPhone "hạng hai" vẫn sẽ thành công chỉ nhờ mức giá bán phù hợp và trải nghiệm/thiết kế gợi nhắc đến những chiếc iPhone nghìn đô.
...năm thứ 2 và thứ 3 duy trì bằng sản phẩm giá "chuẩn".
Cùng lúc, sự chờ đợi dành cho thế hệ hoàn toàn mới vẫn cứ ngày càng nóng dần. Sang năm, chu kỳ 3 năm của iPhone X sẽ chấm dứt. Một chiếc iPhone hoàn toàn mới đang lộ diện ngày một rõ ràng hơn. Và rồi, đến tháng 9/2020, người ta sẽ lại đổ xô đi mua smartphone nghìn đô…
Liam
Trí Thức Trẻ