Trang chủ Liên hệ

Smartphone màn hình gập: Mở đầu xu hướng hay phô diễn công nghệ?

Admin Thọ Sky 28/11/2019

Điện thoại Hải Phòng 

Ưu điểm có nhưng nhược điểm thì nhiều, liệu smartphone màn hình gập có trở thành xu hướng tương lai hay chỉ là phô diễn nhất thời?

» Điện thoại xách tay, giá rẻ Hải Phòng 

» Nhìn lại mức giá của iPhone sau 12 năm

» Mua iPhone 11 Pro giá rẻ nhất, kèm theo nhiều ưu đãi tại Thọ Sky

Không thể phủ nhận smartphone màn hình gập là bước đột phá lớn. Thai nghén từ hàng chục năm trước với không ít lần phô diễn tấm nền màn hình uốn dẻo linh hoạt đến từ hai nhà sản xuất màn hình hàng đầu thế giới – Samsung và LG nhưng cho đến tận 2019 thì những sản phẩm thương mại đầu tiên mới xuất hiện. 

Ưu điểm chưa nhiều nhưng nhược điểm thì…

Ưu điểm lớn nhất của một chiếc smartphone màn hình gập chính là khả năng “biến hình” linh hoạt. Khi gập lại vẫn là một chiếc smartphone nhỏ gọn có thể bỏ túi quần, cầm một tay dễ dàng. Nhưng khi mở ra thì lại biến thành một chiếc máy tính bảng thực thụ với màn hình lớn hoàn hảo cho nhu cầu chơi game, xem video, xa hơn nữa giúp bạn check mail, xử lý nhiều công việc mà màn hình của một chiếc điện thoại thông thường chưa đáp ứng tốt.

Ưu điểm là vậy, thế nhưng nhược điểm của smartphone màn hình gập quá lớn. Ở thời điểm hiện tại chưa một chiếc điện thoại màn hình gập nào có mặt kính cường lực bảo vệ đồng nghĩa với việc chiếc màn hình giá trị hàng nghìn đô rất dễ bị hư. Màn hình gập hiện tại vẫn còn một “tính năng” cố hữu ở vết nhăn chỗ gập lại, ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm. Smartphone màn hình gập còn dày và nặng hơn rất nhiều smartphone truyền thống.

Chưa dừng ở giới hạn về phần cứng, phần mềm hiện nay cũng chưa tương thích với điện thoại màn hình gập. Vì tỷ lệ màn hình có phần hơi “dị dị” nên không nhiều ứng dụng có thể tận dụng tối đa. Thêm một nhược điểm chết người nữa là… Android không tối ưu được cho máy tính bảng. Mà bản thân những chiếc smartphone màn hình gập lúc mở ra cần được sử dụng như chiếc máy tính bảng mới thực sự hữu ích.

Điều đó có nghĩa cho dù những nhà sản xuất thiết bị như Samsung, Huawei hay bất kỳ một hãng điện thoại Android nào đi chăng nữa có tối ưu được giao diện của mình cũng khó khắc phục hết được những nhược điểm của Android.

Chứng kiến tablet Android đang chết dần chết mòn, thực sự khó có thể mong đợi một điều thần kỳ nào đó xảy ra. Hi vọng duy nhất có lẽ trông chờ Apple làm điện thoại màn hình gập.

Nhưng liệu Apple có quan tâm?

Nếu bạn hi vọng Apple sớm giới thiệu một chiếc smartphone màn hình gập thì hãy quên đi. Nó thậm chí có thể không bao giờ xảy ra. Đầu tiên, Apple luôn muốn sản phẩm của mình hoàn thiện nhất, hữu ích nhất, trải nghiệm tốt nhất chứ không chạy đua công nghệ, giới hạn phần cứng hiện tại chưa cho phép “Táo khuyết” làm điều đó, vì ngay từ thành phần quan trọng nhất – màn hình – thì Apple vẫn phụ thuộc Samsung.

Thứ hai, thị phần máy tính bảng nằm gọn trong tay Apple với hàng chục mẫu iPad từ tầm trung đến cao cấp, chẳng có lý do gì Apple vội ra một chiếc smartphone màn hình gập để tự đạp vào chân mình. 

Và nếu kịch bản này xảy ra, vài ba năm nữa điện thoại màn hình gập vẫn chưa có một lối đi nào rõ ràng, thậm chí sẽ đi vào ngõ cụt. Vì như đã nói ở trên, Android vốn chẳng thể tối ưu cho tablet. 

Rồi cũng sẽ khắc phục được nhược điểm, nhưng…

Kỷ nguyên màn hình gập chỉ mới bắt đầu, không thể nói trước điều gì nhưng dễ thấy một điều rằng chúng ta đang cố làm cho mọi thứ nhỏ gọn, đơn giản đi chứ không phải cố phóng lớn một chiếc điện thoại. Cho dù công nghệ phát triển khắc phục được hết tất cả những nhược điểm về phần cứng lẫn phần mềm hiện tại thì mấy ai sẽ mặn mà với một chiếc điện thoại “to chà bá”.

Thay vào đó, khi màn hình gập đạt độ chính, mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thiết bị đeo linh hoạt. Giống như trong phim khoa học viễn tưởng hay siêu nhân biến hình, một chiếc điện thoại quấn quanh cổ tay, bình thường sẽ là “smartwatch”, lúc mở ra thành “smartphone”, thiết bị sẽ nhận diện chủ sở hữu qua “vân cổ tay” như những bằng sáng chế của Apple cách đây không lâu. Nó sẽ thiết thực hơn nhiều so với việc vẫn phải cất một chiếc điện thoại thô kệch trong túi.

Nói đến đây thì chúng ta nên đề cập một chút đến công nghệ pin. Tất cả mọi thành phần cấu thành chiếc điện thoại đều có bước tiến vượt bậc trong thập niên qua, trừ thứ quan trọng nhất. Và nếu vẫn chưa có một giải pháp công nghệ nào làm cho viên pin nhỏ lại nhưng dung lượng lớn hơn thì mọi ý tưởng về một thiết bị biến hình vẫn sẽ đi vào ngõ cụt. 

Cho đến ngày công nghệ “lên đỉnh”…

Tưởng tượng một chút, cho đến khi các nhà khoa học thu gọn được viên pin hiện tại xuống vài chục lần, đủ nhét dung lượng pin chiếc laptop vào một thiết bị rất nhỏ. Rồi màn hình sẽ linh hoạt hơn, ở đây tôi muốn nói đến thiết bị có thể cuộn tròn lại hay kéo dãn ra. Đến chừng đó tôi sẽ quan tâm đến một thứ gì đó vừa là điện thoại, vừa là máy tính bảng, có thể thay thế laptop với cơ chế màn hình cuộn hoặc kéo dãn. 

Vì dù thế nào thì khi gấp lại thiết bị chỉ thu nhỏ được 1/2 hay cùng lắm là 1/3 chứ ai lại đi làm chiếc điện thoại gập tới 4, 5 lần. Nhưng nếu cuộn màn hình lại, từ một thiết bị nhỏ gọn có thể biến thành mọi thứ mà chúng ta muốn.

Có lẽ tôi hơi bi quan về tương lai những chiếc smartphone màn hình gập, nhưng dù thế nào thì tôi vẫn tin những sản phẩm hiện tại mang tính phô diễn công nghệ nhiều hơn. Hay nghĩ thoáng hơn một chút, đây chính là giai đoạn quá độ để tiến từ smartphone truyền thống thành một sản phẩm “viễn tưởng”. Giai đoạn này smartphone màn hình gập vẫn được phát triển nhưng sẽ tồn tại song song với smartphone truyền thống vẫn gần như không thể chiếm ưu thế.

Bài viết liên quan