Trang chủ Liên hệ

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc: 3 trường phái "nhiếp ảnh" smartphone của năm 2019 khác nhau như thế nào?

Quang Anh 18/11/2019

Thật tình cờ, 3 xu hướng phát triển camera phone trên thế giới cũng tương ứng với 3 quốc gia duy nhất còn lại trong top 5 các nhà sản xuất smartphone toàn cầu.

Nếu như 2018 là năm của cuộc đua đến ranh giới "toàn màn hình" thì 2019 trở lại là năm của camera. Ông vua của phân khúc cao cấp, Apple, đã chính thức nâng cấp từ 2 lên 3 camera, đồng thời ra mắt thêm tính năng "Deep Fusion" để cải thiện chất lượng ảnh chụp. Trong lĩnh vực DxOMark vốn bị Huawei độc bá, Samsung và Xiaomi vươn lên trở thành 2 đối thủ bất ngờ. Đến cả OPPO, một tên tuổi vốn không đóng góp vào cuộc đua top trên, năm nay cũng gây bất ngờ với Reno 10X Zoom.

Trong một năm đầy sôi động, cuộc chiến nhiếp ảnh smartphone đang chia làm 3 trường phái lớn. Và thật tình cờ, 3 trường phái này cũng tương đồng với 3 quốc gia còn tồn tại trên bản đồ smartphone cao cấp.

Mỹ: Phá vỡ khái niệm "khoảnh khắc" cùng AI

 

Khi một khoảnh khắc là không đủ, Apple (và Google) đem nhiều khoảnh khắc lồng ghép lại với nhau.

Chỉ còn 2 tên tuổi trong top 10 thế giới nhưng nước Mỹ vẫn đóng phần quan trọng trên bản đồ smartphone. Dù chỉ đứng thứ 3 và đang bị Huawei ngày càng bỏ xa, Apple vẫn là ông vua tuyệt đối của phân khúc cao cấp và bởi thế vẫn đang chiếm phần lớn lợi nhuận cả ngành công nghiệp smartphone. Còn Google dù có thị phần "tí hon" nhưng lại là ông chủ của Android. Những chiếc Pixel mang trong mình tầm nhìn chuẩn mực nhất về tương lai của Android.

Cả 2 ông lớn này đều chọn một hướng đi vô cùng "ngông": phá vỡ khái niệm nhiếp ảnh truyền thống. Không thèm chạy đua các con số và thậm chí vẫn dùng cảm biến bé tí hon của Sony (kích cỡ 1/2.55 inch), Apple và Google gia tăng lượng ánh sáng thu về bằng cách chụp nhiều khoảnh khắc liên tiếp rồi lồng ghép bằng AI. Với iPhone 11 Pro, Deep Fusion là công nghệ AI cho phép gia tăng đáng kể lượng chi tiết trên bức ảnh. Night Mode dù không mới nhưng cũng được đánh giá cao, góp phần cho iPhone 11 Pro vươn lên đứng vị trí số 3 của DxOMark, một bảng xếp hạng vốn đã luôn là "sân nhà" của Huawei.

 

Ma thuật của AI trên Pixel 4: Chỉnh sáng riêng biệt cho vùng tối (shadows) và vùng sáng (highlights).

Dĩ nhiên, kẻ đầu tiên tạo ra Night Mode chỉ có thể là Google. Vốn là vua AI, Google năm nay đã cải thiện Night Mode tốt đến mức có thể chụp được bầu trời sao ban đêm! Và với Pixel 4, Google lại tiếp tục tạo ra những tính năng "hoang đường" khác cho ảnh chụp. Với Live HDR, người dùng có thể xem ảnh HDR theo thời gian thực – ảnh hiện ở màn hình như thế nào thì khi chụp HDR xong sẽ như thế. Với Dual Exposure Controls, người dùng có thể kéo vùng tối mà không lo cháy sáng, kéo vùng sáng mà không lo làm mờ vùng tối.

Duy chỉ có một điểm hơi kém hoang đường, đó là tính năng xóa phông nay đã được thực hiện trên camera kép thay vì camera đơn như năm ngoái. Nhưng cả Google và Apple vẫn đều đang lưu giữ tính năng hoang đường này trên các smartphone giá "mềm" hơn: nếu muốn thử chụp ảnh xóa phông cực chính xác trên camera đơn, bạn có thể thử Pixel 3A và iPhone XR, hiện vẫn đang được Google và Apple bán ra chính thức.

Trung Quốc: Số to đè sáng tạo

Đối lập hoàn toàn với smartphone Mỹ là smartphone Trung Quốc. Vốn không thể đóng góp bất kỳ sáng tạo nào ở đẳng cấp Apple và Google, người Trung Quốc chọn hướng đi gần như trái ngược hoàn toàn: đua các con số truyền thống. Đáng chú ý nhất có lẽ là cuộc đua kích cỡ cảm biến: P30 Pro đầu năm nâng kích cỡ cảm biến lên 1/1.7 inch thì đến cuối năm Mi Note 10 đã chạm mốc 1/1.33 inch, phá vỡ cả kỷ lục của Lumia 1020 trước đây (1/1.5 inch).

 

Bất chấp những lời quảng cáo rất "kêu", gần như tất cả các bài đánh giá đều khẳng định điều hiển nhiên: số "chấm" không đem lại lợi ích thiết thực gì, thậm chí còn làm nặng máy và bỏ lỡ "khoảnh khắc".

Tiếp đến là cuộc đua độ phân giải. Các mốc 40MP, 64MP và 108MP lần lượt bị xóa bỏ. Cuộc đua zoom cũng nóng không kém khi Huawei và OPPO lần lượt khoe các mốc zoom "khủng" 50X và 60X. Cuối cùng và quan trọng nhất, Huawei và Xiaomi đang thống trị cuộc đua DxOMark, một điểm số vốn không thể phân định rạch ròi.

Những con số "khủng" này có tạo ra hiệu ứng tích cực? Dĩ nhiên là có. Hiện tại, các tên tuổi Trung Quốc đang chiếm tới 2/3 top 6 toàn cầu: Huawei đứng thứ 2, Xiaomi, OPPO và Vivo đứng từ vị trí số 4 đến số 6. 

Hàn Quốc: Đứng giữa đôi đường

Sau khi LG gần như biến mất khỏi bản đồ smartphone, đại diện duy nhất của Hàn Quốc trong top 5 thế giới là Samsung. Nhưng Samsung cũng chiếm vị trí vô cùng quan trọng: gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn đang đứng số 1 về doanh số và thị phần, Huawei hay Apple còn lâu mới theo kịp. Đặc biệt hơn, Samsung còn là kẻ đứng sau nhiều thành tựu của các hãng smartphone khác – khoản tiền và lợi nhuận của Samsung trên các mảng linh kiện, chip, RAM, cảm biến camera còn lớn hơn cả khoản tiền do smartphone Galaxy mang về.

 

Samsung đang ngả về phía Apple/Google nhiều hơn, nhưng chưa ai biết điều gì sẽ xuất hiện trên Galaxy S11 năm sau.

Chính nhờ vị thế đặc biệt này mà Samsung đang đi theo con đường có khác biệt đôi chút so với smartphone Trung Quốc hay Apple/Google. Từ nhiều thế hệ smartphone trước, Samsung đã ra mắt các tính năng AI mà đến nay chưa hãng nào học hỏi – nhận diện lỗi (nhắm mắt, lens bẩn) hay hướng dẫn bố cục khung hình. Những tính năng này chưa đạt đến mức độ "hoang đường" như 2 ông lớn Hoa Kỳ, song vẫn là minh chứng cho thấy đẳng cấp phần mềm của Samsung đứng trên smartphone Trung Quốc.

Còn về yếu tố phần cứng, hiện tại Samsung vẫn chưa vượt mặt Huawei hay Xiaomi. Song, cảm biến của Xiaomi là do Samsung bán, ống kính xếp trên P30 Pro và Reno 10X Zoom cũng đến từ một công ty nay đã thuộc về Samsung. Sang năm 2020, tín đồ Galaxy hoàn toàn có quyền hy vọng phần cứng của Galaxy S11 còn có số to hơn cả smartphone Trung Quốc nữa.

Bài viết liên quan