Apple và Samsung có thể đang thực hiện rất tốt các tính năng camera trên smartphone, nhưng Google đơn giản là vẫn ở một đẳng cấp (AI) hoàn toàn khác biệt.
Ra đời sau iPhone tới tận 9 năm, sau chiếc Android đầu tiên tận 8 năm, Pixel mang trong mình một sức mạnh đặc biệt. Trong thời đại thị trường smartphone đã lao dốc, các đối tác thì nhờ cậy vào hệ điều hành của Google, những chiếc Pixel Phone lại chính là tầm nhìn của riêng Google dành cho tương lai Android. Vẫn là cùng một con chip Snapdragon có mặt trên cả tá smartphone đầu bảng khác, cùng bộ cảm biến mua về từ Sony, cùng màn hình mua từ Samsung hay LG, Pixel phải chứng minh rằng phần cứng của Google thực sự có chỗ đứng riêng trong cả làng smartphone.
Google không mất nhiều thời gian để chứng minh điều đó. Bằng một bộ xử lý AI "thửa riêng", chiếc Pixel thế hệ đầu kết hợp tới 10 khung hình để tạo ra một bức ảnh duy nhất. Khái niệm "khoảnh khắc" bị phá vỡ - bức ảnh thu về không phải là một "khoảnh khắc" trong đời thực mà là kết hợp của 10 khung hình khác nhau. Pixel bắt đầu gắn liền với những tính năng ảnh chụp hoang đường.
Năm 2017, trên thế hệ thứ 2, Google lại sử dụng thuật toán để tạo ra những bức ảnh chụp thiếu sáng đẹp đến ngỡ ngàng. Hoang đường hơn, chỉ bằng duy nhất một camera – một cảm biến và một ống kính, Google vẫn có thể tạo ra ảnh chụp có bokeh (phần nền xóa phông) chính xác hơn cả smartphone dùng cam kép.
Sự hoang đường tiếp tục với Pixel 3. Vẫn là camera đơn, cũng lại chẳng có ống kính xếp như P30 Pro hay OPPO Reno, Google tạo ra tính năng zoom số ngang tầm với zoom quang học.
Khác với 3 thế hệ trước, Pixel 4 rò rỉ toàn bộ trước ngày ra mắt. Thậm chí, một cửa hàng tại Việt Nam còn có cả sản phẩm để sử dụng từ tận 2 tháng trước khi Google công bố sản phẩm tại New York. Mọi sự chú ý được dồn về camera kép mới xuất hiện lần đầu trên Pixel (và thiết kế viền dày xấu xí). Mà camera kép thì đã có trên smartphone từ tận 5 năm trước. Sẽ là không sai khi nói rằng, chẳng ai chờ đợi một bất ngờ gì từ camera của chiếc Pixel mới.
Ấy thế mà Google đã lại một lần nữa chứng minh đẳng cấp camera ở mức độ thượng thừa. Trên Pixel 4, Google vén màn một ý tưởng điên khùng mang tên "Live HDR+". Nếu đã từng sử dụng tính năng HDR, bạn chắc chắn sẽ biết tính năng này chỉ có thể được áp dụng SAU khi ảnh đã chụp – về bản chất, HDR là đem gộp nhiều khung hình để giữ lại lượng chi tiết tốt nhất. Nhưng HDR của Google là HDR theo thời gian thực: hiệu ứng được áp dụng liên tục lên chính khung hình của ứng dụng camera. Người dùng đang nhìn thấy gì trên màn hình thì sẽ chụp được bức ảnh HDR y như vậy.
Chưa một hãng smartphone nào làm được điều hoang đường này. Hãy nhớ lại một lần nữa, rằng HDR là tính năng vốn chỉ có thể áp dụng khi kết hợp nhiều khung hình đã chụp. Bằng thuật toán, bằng bộ engine AI vượt trội, Google làm điều hoang đường này để người dùng có thể tận hưởng đầy đủ những lợi ích của HDR.
Hoang đường không kém là khả năng chỉnh vùng tối (shadows) và vùng sáng (hightlights). Từ trước đến nay, smartphone đã kéo sáng là kéo sáng cả khung hình: tăng sáng thì các vùng highlight sẽ bị ‘cháy", còn giảm sáng thì các vùng shadow sẽ tối đen như mực. Google giải quyết vấn đề này bằng cách tự động nhận diện vùng sáng và vùng tối, rồi cung cấp 2 thanh điều chỉnh tương ứng & độc lập. Vấn đề kéo sáng làm ảnh bị "cháy lóa" hay "đen thui" được giải quyết triệt để. Người dùng có thể thoải mái chính sửa bức ảnh của mình mà không lo làm hỏng khung hình.
Lãnh đạo bộ phận Google Research, Marc Levoy khẳng định "Đây là cách điều chỉnh mà chưa từng có trên một chiếc camera nào khác". Quả thật là như vậy, đây là cách kéo sáng không hề có trên iPhone, Galaxy, Mi Mix hay Mate/P. Một tính năng lần đầu tiên có mặt nhưng chắc chắn sẽ được yêu thích. Bạn đã bao giờ chụp một bức ảnh tối mặt, kéo sáng lên thì trắng lóa phông nền? Bạn đã bao giờ cố tạo ra hiệu ứng bóng đen tuyệt đẹp và khiến cho cả khung hình tối thui?
Tất cả mọi thứ về Pixel 4 đều quá hoang đường. Google Pixel 4 có thể chụp được bầu trời đêm, bằng cách dùng AI "gói" 4 phút phơi sáng còn vỏn vẹn 16 giây (15 khối dữ liệu 16 giây liên tiếp). Với khả năng phơi sáng như vậy, đèn flash chỉ để dùng như đèn pin. Cân bằng trắng cũng được AI tối ưu để loại bỏ hiện tượng sai màu.
Hãy nhìn sang những gì Apple và Samsung đang làm. Deep Fusion quả thật có thể tạo ra bức ảnh đẹp, Night Mode trên Galaxy S10 thực sự đã cải thiện chất lượng ảnh chụp thiếu sáng khi được phát hành dưới dạng cập nhật phần mềm vào tháng 5. Với iPhone XR, Apple đã học được tính năng hoang đường của Pixel 2 khi chụp ảnh bokeh mà vẫn xóa phông. Apple và Samsung cũng có những tính năng mà Google không có, ví dụ như giả lập ánh sáng môi trường (iPhone) hay nhận diện lỗi (lens bẩn, có người nhắm mắt – trên Galaxy).
Nhưng smartphone của Apple, Samsung và tất cả những ông lớn khác đều không có những tính năng hoang đường mà Pixel 4 đang có. Apple, Samsung và tất cả những ông lớn khác đều chưa thể một lần tiên phong tạo ra những tính năng không tưởng (mà lại cực kỳ hữu ích) trên chiếc smartphone Google mới nhất. Đơn giản thôi, bởi chẳng có hãng smartphone nào là thế lực AI như Google cả. Năm nay vẫn vậy, năm sau vẫn thế: bất kể ai làm gì, khoe gì, nói đến đẳng cấp "AI camera phone" chỉ có thể nói đến Google mà thôi!